Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng là sự kiện  lịch sử quan trọng soi đường cho cách mạng  của dân tộc Việt Nam

Thứ Ba, ngày 18 tháng 2 năm 2025 - 15:20 Đã xem: 505

​​​​​​​Từ ngày 11 đến 19/02/1951, tại căn cứ địa Việt Bắc, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Đại hội lần thứ II của Đảng đã được tổ chức. Đại hội không chỉ đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, mà là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam tiến lên giành những thắng lợi mới, đấu tranh giải phóng dân tộc, để lại nhiều giá trị lý luận, thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Ảnh minh họa: Tất Thắng

Từ  Đại hội lần thứ nhất, tháng 3 năm 1935, tại Ma Cao, Trung Quốc, đến năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương đã giành được nhiều thắng lợi quan trọng. Sự nghiệp cách mạng của ba nước phát triển không đều và có những đặc điểm riêng, đòi hỏi phải có đường lối chính trị và tổ chức lãnh đạo thích hợp đối với mỗi nước, để phát huy động lực dân tộc của từng quốc gia, đưa cách mạng vững bước tiến lên giành thắng lợi. 

Giải quyết những yêu cầu mới của cách mạng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia, Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức Đại hội lần thứ II, từ ngày 11 đến 19/2/1951, tại xã Vinh Quang, nay là Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, đại diện cho hơn 76 vạn đảng viên thuộc các Đảng bộ Việt Nam, Lào và Campuchia. Khách quốc tế có đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu Đảng Cộng sản Xiêm (Thái Lan). Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 19 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết [1]. 

Trong mười ngày làm việc, Đại hội đã nghiên cứu, thảo luận báo cáo chính trị, báo cáo bàn về cách mạng Việt Nam, báo cáo về tổ chức và Điều lệ của Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền dân chủ nhân dân, quân đội nhân dân, kinh tế tài chính, văn nghệ nhân dân. Báo cáo chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày, chiều ngày 11/02/1951, là một văn kiện có giá trị thực tiễn và lý luận to lớn. Báo cáo khẳng định đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài vì độc lập thống nhất, dân chủ của Đảng là đúng đắn, cuộc kháng chiến của Nhân dân ta chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ nhất định thắng lợi. Báo cáo nêu hai nhiệm vụ chính của Đảng lúc này là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam. Báo cáo chỉ rõ, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và các tổ chức quần chúng đẩy mạnh thi đua yêu nước, thi hành chính sách ruộng đất ở vùng tự do, bồi dưỡng lực lượng kháng chiến, thành lập Mặt trận thống nhất Việt - Lào - Campuchia, đoàn kết quốc tế. Về tổ chức Đảng, báo cáo khẳng định: Chúng ta phải có một Đảng công khai, tổ chức hợp với tình hình thế giới và tình hình trong nước để lãnh đạo toàn dân đấu tranh cho đến thắng lợi. Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày, ngày 12/02/1951. Báo cáo nêu rõ sự sắp xếp lực lượng cách mạng như sau: lực lượng cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. Báo cáo chỉ rõ cách mạng Việt Nam là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Căn cứ tình hình, nhiệm vụ, tính chất cách mạng, Báo cáo vạch ra 12 chính sách của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Toàn bộ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng được Đại hội thảo luận và đúc kết một cách khái quát trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam.

Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam, thông qua Chính cương Điều lệ và Tuyên ngôn của Đảng. Đại hội quyết định sẽ thành lập những tổ chức cách mạng phù hợp hoàn cảnh Lào và Campuchia. Đảng Lao động Việt Nam có nghĩa vụ giúp đỡ các tổ chức cách mạng Lào và Campuchia lãnh đạo kháng chiến của hai dân tộc ấy giành thắng lợi. Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng do Đại hội bầu ra gồm 29 đồng chí. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu giữ chức Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị do Trung ương bầu gồm 7 ủy viên chính thức: Đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Quốc Việt, một ủy viên dự khuyết là đồng chí Lê Văn Lương. Đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng [2].

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đại hội II của Đảng không chỉ là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến mà còn là bài học quý báu về tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường và khát vọng phát triển đất nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây không chỉ là một cột mốc đánh dấu sự phát triển về tư duy lãnh đạo của Đảng mà còn là một bước ngoặt quan trọng trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đại hội II đã đề ra những quyết sách chiến lược quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước.

1. Đại tá, PGS.TS. Nguyễn Văn Sáu; Các kỳ Đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ II: Hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; Quân đội Nhân dân, cơ quan của quân ủy Trung ương và Bộ quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và Nhân dân Việt Nam, 28/01/2025.

2. ĐCSVN, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, 17/10/2019.

Đỗ Hồng Thanh

Xem tin theo ngày:   / /